Tư duy lãnh đạo – Chìa khóa thúc đẩy chuyển đổi số trong bất động sản

Ở Việt Nam, quá trình số hóa trong ngành bất động sản đang diễn ra mạnh mẽ với hàng loạt thành tựu nổi bật. Tuy nhiên, cái cốt lõi để chuyển đổi số còn nằm ở tư duy lãnh đạo của doanh nghiệp.
Trong buổi phỏng vấn với phóng viên nhân dịp kỷ niệm Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, ông Mai Lâm Tới – Phó Tổng Giám đốc Four Home Hà Nội đã dành nhiều thời gian để chia sẻ về những “điểm nghẽn” của các doanh nghiệp bất động sản khi thực hiện chuyển đổi số trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến tốc độ chuyển đổi số bất động sản còn chậm hơn so với những ngành nghề khác.

Là một doanh nhân trẻ, có nhiều năm nghiên cứu và hoạt động trong lĩnh vực công nghệ bất động sản, ông Tới đã chứng kiến được toàn bộ quá trình chuyển đổi số của ngành địa ốc Việt Nam. Hơn ai hết, ông hiểu rõ những khó khăn, thách thức của những doanh nghiệp bất động sản khi ở trong một cuộc đua về công nghệ số, rất khốc liệt và dễ bị đào thải.

Ông Mai Lâm Tới – Phó Tổng Giám đốc Four Home Hà Nội

Ông có nhận xét gì về tốc độ chuyển đổi số của các doanh nghiệp bất động sản ở Việt Nam hiện nay?

Ở thời điểm hiện nay, tôi nhận thấy, tốc độ chuyển đổi số của các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam tương đối ổn định, không quá nhanh, cũng không quá chậm. Rất nhiều các doanh nghiệp bất động sản đã và đang áp dụng thành tựu của công nghệ trong việc triển khai các hoạt động quản trị, kinh doanh hàng ngày. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa thấy một doanh nghiệp bất động sản nào ở Việt Nam đã chuyển đổi số hoàn toàn. Điều này có thể do đặc thù ngành, tư duy và thói quen của lực lượng bán hàng, khách hàng bất động sản chưa kịp thay đổi.

Các doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt với những khó khăn nào khi thực hiện chuyển đổi số trong bối cảnh thị trường hiện nay, thưa ông?

Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp bất động sản khi chuyển đổi số là phải thay đổi hành vi và cách ứng dụng công nghệ cho đội ngũ nhân sự, đồng thời muốn nhìn thấy ngay kết quả. Trước đây, nhân viên kinh doanh bất động sản bán hàng theo kiểu truyền thống, phải gặp khách hàng để tư vấn sản phẩm và bán hàng trực tiếp. Còn khi ứng dụng công nghệ, họ phải lên kế hoạch và thực hiện việc chăm sóc khách hàng, cập nhật tình trạng khách vào phần mềm, ứng dụng. Họ phải làm quen với việc tương tác với khách hàng thường xuyên thông qua các công cụ hay ứng dụng quản lý, kể cả chăm sóc và tư vấn online. Nếu việc tương tác trên nền tảng số không nhìn thấy hiệu quả thì họ sẽ sẽ không tập trung vào đó nữa mà lại quay lại cách làm truyền thống.

Nhân sự là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của một doanh nghiệp bất động sản khi chuyển đổi số. Nếu nhân sự không có tư duy về công nghệ, làm việc theo kiểu truyền thống và ngại thay đổi sẽ khiến cho việc triển khai chuyển đổi số trong doanh nghiệp bị trì trệ hoặc khó hoàn thiện.

Tiếp đến, với một bộ máy đã đi vào guồng hoạt động từ lâu, các doanh nghiệp bất động sản khó có thể chuyển đổi số ngay tức thì, mà cần có một thời gian đủ dài để chuyển đổi dần quy trình hoạt động. Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư vào công nghệ nhưng vẫn chưa thể thay đổi được hoàn toàn hình thức quản trị và kinh doanh truyền thống.

Bên cạnh đó, với một sản phẩm có giá trị lớn như bất động sản, đa số người mua đều muốn được trực tiếp trao đổi, tìm hiểu trước khi có quyết định “xuống tiền”. Cho nên, việc thay đổi tư duy, hành vi của người tiêu dùng bất động sản hiện nay cũng là thách thức lớn của các doanh nghiệp bất động khi chuyển đổi số và không thể giải quyết trong “một sớm một chiều”.

Đội ngũ nhân sự là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của một doanh nghiệp bất động sản khi chuyển đổi số

Theo ông, muốn chuyển đổi số thành công, một doanh nghiệp bất động sản truyền thống nên bắt đầu từ đâu?

Không giống như những ngành hàng khác, bất động sản là một ngành đặc thù, rất khó chuyển đổi số. Cho nên, mỗi doanh nghiệp bất động sản cần có sự đầu tư bài bản khi thực hiện quá trình này. Muốn chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp bất động sản cần bắt đầu từ tư duy của lãnh đạo. Những người đứng đầu doanh nghiệp cần có tầm nhìn về chuyển đổi số, sau đó mới đồng bộ triển khai toàn diện trong cả hệ thống.

Tiếp đến, các doanh nghiệp bất động sản cần xây dựng những chiến lược, điều chỉnh mô hình kinh doanh phù hợp với việc chuyển đổi số; tính toán phương án đầu tư công nghệ thông tin; chuyên tâm vào đào tạo, xây dựng đội ngũ nhân sự số. Bên cạnh đó là việc tạo cảm hứng và lan tỏa tư duy về chuyển đổi số cho khách hàng, để họ dần thay đổi thói quen, hành vi mua hàng theo kiểu truyền thống.

Theo ông, việc chuyển đổi số sẽ mang lại những lợi ích gì cho các doanh nghiệp bất động sản?

Khi chuyển đổi số, sản lượng và chất lượng của công việc kinh doanh của các sàn bất động sản sẽ tăng lên. Các hoạt động quản trị, tương tác trong hệ thống của doanh nghiệp sẽ được triển khai một cách rõ ràng, hiệu quả và nhanh chóng hơn.Đồng thời, việc chuyển đổi số còn giúp các doanh nghiệp bất động sản tăng cơ hội tiếp cận khách hàng tiềm năng, chăm sóc khách hàng chu đáo hơn, mở rộng thị trường kinh doanh, giảm chi phí cải thiện tiến độ bàn giao sản phẩm cho khách hàng. Từ đó sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh và lợi nhuận cho các doanh nghiệp.

Ông có kỳ vọng gì về vấn đề chuyển đổi số của ngành bất động sản Việt Nam trong thời gian tới?

Hiện nay có rất nhiều “ông lớn” kinh doanh trong ngành địa ốc đã tham gia vào quá trình chuyển đổi số, khiến cho xu thế này sẽ ngày càng trở nên sôi động và nhanh chóng. Hơn nữa, thị trường bất động sản ở Việt Nam có rất nhiều khía cạnh để áp dụng công nghệ. Cho nên, tôi kỳ vọng rất lớn vào việc chuyển đổi số trong ngành bất động sản. Đồng thời, tôi rất mong chờ sẽ được chứng kiến và trải nghiệm những thành tựu về công nghệ bất động sản trong tương lai.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.
 

Dự án liên quan

Xem tất cả