Airbnb là gì? Quy trình đăng ký Airbnb
Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ hiện nay, việc ứng dụng công nghệ đã trở thành một xu hướng chiến lược mới mang lại hiệu quả kinh doanh đáng kể cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực lưu trú và nghỉ dưỡng. Cùng với sự phát triển nhanh chóng và tiềm năng của Airbnb, nhiều nhà đầu tư đã nhận ra lợi ích mà nền tảng này mang lại và đã chủ động tận dụng để kinh doanh. Vậy Airbnb là gì? Quy trình đăng ký Airbnb cần các bước như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
Mục Lục
I. Airbnb là gì?
Airbnb là viết tắt của cụm từ Airbed and Breakfast, dùng để chỉ những cơ sở lưu trú nhỏ lẻ, cung cấp chỗ nghỉ qua đêm cùng bữa sáng cho ngày hôm sau với mức giá rẻ. Tuy nhiên, Airbnb không thực sự cung cấp một chỗ nghỉ qua đêm và một bữa sáng.
Airbnb không sở hữu các loại hình bất động sản để kinh doanh mà thay vào đó, đây là nơi kết nối những người muốn thuê và cho thuê nhà hay chỗ ở trên khắp thế giới. Airbnb là một phần của nền kinh tế chia sẻ, người muốn thuê sẽ được cung cấp nhà của một ai đó để ở thay vì ở khách sạn. Việc tìm kiếm và thanh toán sẽ diễn ra trên ứng dụng cùng các khoản phí trung gian. Airbnb còn được so sánh như Uber của ngành khách sạn.
Airbnb đã thành lập được 15 năm từ 2008, có trụ sở chính tại California, Hoa Kỳ. Đây được đánh giá là một trong những kênh OTA phổ biến nhất hiện nay với du khách, đã có mặt tại hơn 190 quốc gia trong đó có Việt Nam.
II. Giải mã lý do Airbnb ngày càng được nhiều người ưa chuộng
1. Airbnb và những con số biết nói
Sau 5 năm kể từ khi thành lập, Airbnb chạm mốc 9 triệu người sử dụng app để đặt phòng, nhanh chóng được định giá 10 tỷ USD một năm sau đó khi kêu gọi thành công khoản đầu tư 450 triệu USD.
2018, Airbnb thu về mức lợi nhuận xấp xỉ 200 triệu USD nhờ bùng nổ dân số trong năm cùng mức tăng trưởng gần 80%. Tháng 10 năm 2019, công ty đạt 2 triệu người đăng ký mỗi đêm. Tuy nhiên, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, dịch Covid-19 xảy ra làm hoạt động kinh doanh của công ty tụt dốc nhanh chóng. Mặc dù vậy, vào cuối 2020, khi nhiều công ty vẫn đang đứng trước tương lai đầy ảm đạm thì Airbnb vẫn có đợt IPO khá ấn tượng khi thu về 3,5 tỷ USD, cổ phiếu đóng cửa với 144USD/ cổ phiếu.
Trở lại rực rỡ vào năm 2021, sau khi Covid đã được đẩy lùi và thích ứng, du lịch mở cửa, Airbnb đạt doanh thu tới 1.5 tỷ USD vào Quý 4/2021, cao hơn 80% so với cùng kỳ 2020 và 38% với 2019. Kết thúc Quý 4/2021, AirBnB thu lãi ròng kỷ lục 55 triệu USD, tăng 406 triệu USD so với cùng kỳ năm 2019. Tính cả năm 2021, công ty đạt doanh thu 6 tỷ USD, tăng 77% so với năm 2020; lỗ sau thuế của AirBnB đạt âm 352 triệu USD.
Đến Quý 4/2022, công ty cho biết các chuyến du lịch xuyên biên giới đã tăng 49% so với cùng kì năm trước, số lần lưu trú cũng tăng 22% tại các khu đô thị mật độ cao. Riêng trong Quý 4, Airbnb thu về 1,9 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái, thu nhập đến 319 triệu USD, cao hơn 1,5 lần so với dự báo 184 triệu USD của các nhà phân tích Refinitiv đã khảo sát.
Song song đó, du lịch nước ngoài tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng cho thấy mức tăng trưởng mạnh mẽ nhất toàn cầu sau khi Trung Quốc dỡ bỏ các rào cản đi lại do Covid-19. Doanh thu của Airbnb Quý 1/2023 vượt 1,8 tỷ USD, dự báo doanh thu Quý 2 từ 2,35 tỷ USD đến 2,45 tỷ USD.
2. Trải nghiệm văn hóa - Xu hướng của thời đại
Airbnb mang đến trải nghiệm độc đáo cho khách lưu trú. Khách được trải nghiệm căn hộ của người dân bản địa, được hòa mình vào đời sống văn hóa thực tế tại địa phương, điều mà các khách sạn sẽ khó lòng đáp ứng được.
Bên cạnh đó, xu hướng “xê dịch” của giới trẻ cũng ngày càng thay đổi. Họ thích những kỳ nghỉ ngắn, có không gian vui chơi, hoạt động trải nghiệm cùng hội nhóm bạn bè. Vì vậy, sự nhanh - gọn - tiện cùng chi phí rẻ của Airbnb “được lòng” số đông.
Thêm vào đó, Airbnb ngày càng phát triển nhờ có sự tương tác giữa cả người thuê và người cho thuê. Cả hai bên đều có thể đánh giá và viết nhận xét về nhau, điều này đảm bảo chất lượng của các phòng cho thuê và mang lại sự an tâm cho chủ nhà về khách hàng của mình.
3. Airbnb giúp người cho thuê có thêm nhiều lợi thế
Về chi phí ban đầu, khi lựa chọn loại hình dịch vụ cao cấp như khách sạn sẽ “ngốn” của người kinh doanh một khoản đầu tư không nhỏ, kèm với đó là vô số những rủi ro. Tuy nhiên, để tận dụng một căn phòng ngay trong nhà mình để làm nơi kinh doanh, cư trú cho khách du lịch lại là điều mà đa số mọi người đều có đủ khả năng. Thêm vào đó, khoản phí với chủ nhà là 3% tổng giá trị đặt phòng, phí thu khách cần thuê ở mức 6 đến 12%, mức phí này cũng cạnh tranh hơn so với các trang đặt phòng truyền thống.
Về thời gian bỏ ra, chủ nhà cũng tiết kiệm được khá nhiều thời gian đầu tư cho việc kinh doanh của mình. Chỉ cần một chút thời gian rảnh để chăm chút và dọn dẹp căn phòng, chủ nhà đã có thể quảng bá căn nhà của mình trên Airbnb. Công việc không đòi hỏi quá nhiều chi phí và thời gian nhưng lại có thể mang đến một khoản thu nhập đáng kể. Thậm chí, nhiều người đã biến việc chia sẻ nhà ban đầu chỉ là tận dụng tài sản nhàn rỗi thành công việc toàn thời gian của riêng họ.
Ngoài ra, tinh thần kinh doanh của người Việt Nam cũng đóng vai trò không thể thiếu. Nhiều người muốn sở hữu một doanh nghiệp riêng của mình hoặc tìm kiếm thêm nguồn thu nhập bổ sung bên cạnh thu nhập chính. Tinh thần này đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế trong khu vực, tạo ra sự cạnh tranh và động lực cho ngành lưu trú phát triển.
III. Quy trình đăng ký Airbnb
Không đơn thuần chỉ việc tạo tài khoản và đăng bán phòng trên Airbnb (trở thành host) là xong, người cho thuê cần tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật. Việc đăng bán phòng trên Airbnb mà không hoàn tất các thủ tục theo quy định có thể gặp rắc rối với cơ quan chức năng khi bị "hỏi thăm". Vậy làm thế nào để đăng ký kinh doanh Airbnb đúng luật? Dưới đây là những bước cần nắm rõ trước khi bắt đầu.
1. Đăng ký hộ kinh doanh cá thể
Airbnb đang khuyến khích chủ cơ sở đăng ký kinh doanh với tư cách là hộ cá thể. Hình thức này có một số ưu và nhược điểm sau:
- Ưu điểm:
+ Tránh được các thủ tục rườm rà
+ Không phải khai thuế hàng tháng
+ Chế độ chứng từ sổ sách đơn giản
+ Quy mô gọn nhẹ
- Nhược điểm:
+ Không được sử dụng hóa đơn khấu trừ nên không được hoàn thuế, không xuất được hóa đơn GTGT
+ Chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm mà không được mở các đơn vị phụ thuộc
Quy trình và hướng dẫn thực hiện cụ thể như sau:
Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ
Thành phần hồ sơ bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh (Phụ lục III-1, Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT);
- Danh sách các cá nhân góp vốn thành lập hộ kinh doanh (Phụ lục III-2, Thông tư số 02/2019/TT- BKHĐT);
- Bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình
- Bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.
Bước 2. Nộp hồ sơ
- Cá nhân hoặc nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh. Kèm theo Giấy đề nghị phải có các văn bản được nêu tại Thành phần hồ sơ.
- Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận.
- Số lượng hồ sơ: 01 (bộ).
- Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
- Lệ phí (nếu có và văn bản quy định về phí, lệ phí): 100.000 đồng/lần (Thông tư số 176/2012/TT-BTC (Nộp tại thời điểm nộp hồ sơ).
Bước 3: Nhận kết quả
Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng |nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu có đủ các điều kiện sau đây:
a. Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh;
b. Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp quy định tại Điều 73 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP;
c. Nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan | đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh.
Chủ cơ sở cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định rồi mang đến nộp tại UBND quận/ huyện nơi đang kinh doanh cho thuê nhà trên Airbnb.
Sau khi nộp hồ sơ, UBND quận/ huyện sẽ hướng dẫn bạn đến Chi Cục Thuế quận/ huyện để khai mã số thuế cá nhân và đóng thuế môn bài.
2. Đăng ký phòng cháy chữa cháy
(Nếu là listing căn hộ dịch vụ)
Thông tư 33/2010/TT-BCA quy định: Các cơ sở kinh doanh lưu trú và cho tổ chức, cá nhân là người nước ngoài thuê nhà để ở hoặc làm văn phòng từ 7 tầng trở lên thì phải có Giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy và chữa cháy – từ 6 tầng trở xuống thì phải có Biên bản kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy.
Liên hệ Cảnh sát phòng cháy chữa cháy quận/ huyện để được hướng dẫn chi tiết và hỗ trợ thực hiện.
3. Đăng ký Tạm trú tạm vắng cho khách thuê
Theo quy định thì mỗi một lượt khách ghé thăm và lưu trú tại căn hộ thì chủ nhà đều phải thực hiện khai báo tạm trú tạm vắng tương ứng theo quy định. Cụ thể:
+ Nếu là khách Việt thì đăng ký vào sổ tạm trú và nộp cho cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận khai báo tạm trú (thường là công an quận/ huyện/ thành phố) trước 21h mỗi ngày
+ Nếu là khách nước ngoài thì tiến hành khai báo tạm trú thông qua Internet cũng phải trước 21h mỗi ngày. Link khai báo sẽ là: [tên tỉnh].xuatnhapcanh.gov.vn
4. Khai và đóng thuế điện tử
Một bước nữa không thể thiếu đó là khai báo và đóng thuế điện tử, theo link: thuedientu.gdt.gov.vn. Đây là quyền và nghĩa vụ của công dân.
Xin lưu ý rằng, tại mỗi thời điểm nhất định, Luật có thể thay đổi tương thích. Do đó, các host cần tìm hiểu thật kỹ qua những nguồn uy tín hoặc liên hệ trực tiếp với cơ quan chính quyền để được hỗ trợ và hướng dẫn thực hiện cho chính xác, tạo tâm thế yên tâm khi kinh doanh Airbnb vì tuân thủ đúng luật.